Thử Thách Kim Cương: Trở thành nhà báo thông minh cùng MC Thanh Thảo và Đinh Nho Khoa
Để viết được một bài báo chất lượng, viết tốt thôi chưa đủ. Đến với vòng Huấn luyện E-Summer - Thử Thách Kim Cương 2020, teen đã được học về kỹ năng phỏng vấn với MC Thanh Thảo Hugo cũng như cách tìm kiếm thông tin cùng BTV nhà Hoa - Đinh Nho Khoa.
Con dao hai lưỡi - câu chuyện tìm hiểu khách mời
Bắt đầu một bài phỏng vấn, ai cũng biết rằng nên tìm hiểu trước thông tin về nhân vật. Tuy nhiên, chị Thanh Thảo cũng lưu ý rằng nên tìm hiểu đầy đủ thông tin chứ không nên học thuộc tiểu sử, cũng không phải tìm hiểu quá sơ sài mà cần đủ lượng thông tin để hiểu được nhân vật sắp phỏng vấn có tư chất thế nào, lối sống và quan điểm ra sao để câu hỏi mà người phỏng vấn đặt ra trở nên có chiều sâu hơn.
MC Thanh Thảo từng là người dẫn chương trình của VietNam Idol, Tam Sao Thất Bản, Lục Lạc Vàng, Bếp Yêu Thương... - Ảnh: Fanpage Thử Thách Kim Cương
Là một người phóng viên, người dẫn chương trình, không phải lúc nào trong quá trình phỏng vấn (hay khi lên hiện trường), mọi việc đều diễn biến theo mình chuẩn bị. Thế nên người dẫn chương trình cần tùy cơ ứng biến bằng cách khi chuẩn bị nội dung, các câu hỏi không nên được khai thác theo thứ tự mà cần khai thác theo vấn đề. Như vậy nhỡ cuộc phỏng vấn đi theo hướng khác, người dẫn chương trình vẫn có thể lèo lái câu chuyện một cách hợp lý và logic.
Ngoài ra, theo chị Thanh Thảo, mỗi kiểu nhân vật được phỏng vấn sẽ có một cách “phá băng” và phong thái phỏng vấn khác nhau phù hợp với cá tính riêng. Chẳng hạn như:
- Đối với các chuyên gia: Teen cần nắm bắt trend, tin hot trong lĩnh vực của chuyên gia đó.
- Đối với những người nông dân, những người có hoàn cảnh cơ nhỡ: Trước khi đi vào câu hỏi, teen cần có những câu cảm thán thuộc dạng quen thân trong cuộc sống hàng ngày (“Dạo này lúa được mùa quá ha chú!”).
- Đối với trẻ nhỏ: Teen cần lưu ý không nên hỏi quá thẳng thắn mà phải “đi đường vòng” (“Con hay mua gì ăn sáng nè? Ngày xưa cô mua ly mì có 10 nghìn, không biết bây giờ có tăng giá lên không ha?”).
Chị Thanh Thảo Hugo còn mở một buổi huấn luyện đặc biệt về kỹ năng thuyết trình cho 24 bạn đến từ 12 đội tham gia Thử Thách Kim Cương 2020 - Ảnh: fanpage Thử Thách Kim Cương
"Fake news that is not so new"
Tin giả chính là những tin không có căn cứ, không có nguồn nhưng lại nghe có vẻ rất đáng tin. Fake news đơn giản có thể là những lời đồn đại không đúng về bản thân chúng mình hay có thể nghiêm trọng hơn, có sức ảnh hưởng lớn hơn.
Một số cách để chúng ta phân biệt được fake news:
- Kiểm tra nguồn dựa vào địa chỉ của trang web (.com, .vn, .org).
- Kiểm tra nguồn dựa vào độ uy tín của nhân vật cung cấp thông tin: Teen có thể thử tìm hiểu người phát biểu thông tin có chuyên môn về vấn đề này hay không.
- Kiểm tra thời gian thông tin được đăng lên: Hãy tra ngược lại ngày tháng trên Google để xem tính xác thực so với tổng thể các tin tức.
- Kiểm tra về hình ảnh và thông tin trong bài đăng: Teen có thể copy hình lên Google để xem toàn cảnh bức hình để xác minh độ chính xác.
Anh Đinh Nho Khoa hiện đang theo học ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học RMIT. Ngoài ra anh còn là BTV mảng Phóng sự ở báo Hoa Học Trò - Ảnh: Fanpage Thử Thách Kim Cương
Ngoài ra, đối với những nghiên cứu khoa học, chúng ta còn phải cân nhắc mức độ tổng quát của thông tin để tránh việc thông tin chỉ đúng trên một lượng mẫu thử quá nhỏ và gần như không đúng. Một ví dụ đơn giản là những quảng cáo KOLs yêu thích của bạn “lăng xê” trên trang cá nhân: Đây chính là ví dụ của “disinformation” (sự lan truyền thông tin), mà nếu chẳng may kết hợp với “misinformation” (tin không đúng) thì sẽ gây nhiều hiểu lầm đáng tiếc.
Lớp học nhiều kiến thức chuyên môn nhưng cũng không kém phần vui nhộn với các ví dụ rất bắt trend - Ảnh: Fanpage Thử Thách Kim Cương
Nguồn: https://hoahoctro.tienphong.vn/hht-ket-noi-hoa-hoc-tro/thu-thach-kim-cuong-tro-thanh-nha-bao-thong-minh-cung-mc-thanh-thao-hugo-va-dinh-nho-khoa-1697733.tpo